Bảo tàng Sinh vật thuộc khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội (trước đây là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) nằm ở số 19 Lê Thánh Tông – Hà Nội, là Bảo tàng Sinh vật đầu tiên ở Đông Dương và Việt Nam được thành lập vào năm 1926. Bảo tàng là hình ảnh thu nhỏ về tài nguyên sinh vật và đa dạng sinh học của đất nước.
Bảo tàng Sinh vật là “Phòng thí nghiệm” đặc biệt, có những nhiệm vụ chính:
- Lưu giữ, bảo quản vật mẫu phục vụ nghiên cứu khoa học
- Phục vụ giảng dạy: Bảo tàng Sinh vật là “Phòng thí nghiệm” tự nhiên tốt nhất cho việc học tập và đào tạo các chuyên gia sinh học, khoa học về sự sống.
- Tuyên truyền giáo dục, là nơi tham quan, học tập của học sinh, sinh viên và của mọi người dân
Là hình ảnh thu nhỏ về nguồn tài nguyên động vật hoang dã ngoài thiên nhiên và đa dang sinh học của đất nước, đến Bảo tàng chúng ta thấy các loài quý hiếm như: hổ, báo, gấu, vượn, vooc, khỉ, sóc bay, công, trĩ, gà lôi, rắn hổ, cá,…và nhiều loài mọi người chỉ biết qua tiếng kêu mà hiếm khi trông thấy như: bắt cô trói cột, tu hú, bìm bịp,… cũng như những loại động vật hoạt động về đêm như: cầy, cáo, các loại cú,… hoặc các loài là như: thằn lằn bay, cá nóc chim, bướm phượng, cua bay,…
Thông qua Bảo tàng Sinh vật chúng ta hiểu được tính đa dạng và phong phú của động vật, thực vật ở Việt Nam. Đến nay đã xác định được ở Việt Nam có tới 275 loài và phân loài thú, hơn 1000 loài và phân loài chim, 296 loài bò sát, 162 loài ếch, 544 loài và phân loài cá nước ngọt, hơn 2000 loài cá biển. Về thực vật, đến nay đã xác định được 12.680 loài gồm cả thực vật bậc cao, nấm, tảo và rêu.
Bảo tàng Sinh vật được thành lập trên cơ sở Bảo tàng động vật và Bảo tàng thực vật thuộc khoa Sinh vật – Trường Đại học khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là nơi lưu giữ những bộ sưu tập động, thực vật đầu tiên ở Đông Dương và ở Việt Nam.
Bảo tàng Động vật: Ban đầu Bảo tàng Động vật là bộ sưu tập các tiêu bản động vật thuộc phòng thí nghiệm tự nhiên (Laboratoire des Sciences Naturelles) của Trường Cao đẳng Nông lâm nghiệm (école supérure d’Agriculture et de Sylviculture) thuộc Đại học Đông Dương (Université de I’Indochine) do René Bourret là nhà khoa học nổi tiếng Pháp sáng lập vào năm 1926, khi đó ông là Giáo sư bậc 3 giảng dạy tại đây.
+ Bộ sưu tập mẫu Thú: Bảo tàng Sinh học có 2.507 mẫu vật thú, của 136 loài và phân loài thuộc 70 chi, 26 họ, 10 bộ. So với tổng số loài thú hiện có ở Việt Nam, bộ sưu tập mẫu vật thú ở Bảo tàng Sinh học của ĐHQG Hà Nội chiếm 45,3 % về số loài (136/300).
+ Bộ sưu tập mẫu Chim: có 2.674 mẫu của 381 loài chiếm 45 % (381/848) tổng số loài chim hiện có ở Việt Nam thuộc 18 Bộ, 68 họ. Tuy nhiên, bộ sưu tập chim của Bảo tàng còn thiếu mẫu vật của các loài chim thuộc bộ Hải Âu (Procellariiformes). Tất cả mẫu chim của Bảo tàng đều là mẫu nhồi, có cả mẫu nằm và mẫu đứng.
+ Bộ sưu tập mẫu Bò sát: Bảo tàng Sinh học có 714 mẫu vật bò sát của 162 loài thuộc 23 họ, 3 bộ chiếm 37,2% (162/435) số loài bò sát đã được phát hiện ở Việt Nam. Ngoài ra, tại Bảo tàng Sinh học còn khoảng khoảng 1.000 mẫu bò sát chưa được kiểm kê hoặc định loại do chưa có điều kiện.
+ Bộ sưu tập mẫu cá: Tổng cộng có 6.207 mẫu cá nước ngọt, nước mặn và nước lợ, trong đó có 1207 mẫu đã được định loại của 396 loài (chiếm 15,33% tổng số loài cá đã được thống kê ở Việt Nam), bao gồm 941 mẫu nghiên cứu và trưng bày của 350 loài và 266 mẫu mẫu holotype và paratype của 46 loài cá mới cho khoa học được phát hiện ở Việt Nam được công bố bởi GS.TS. Mai Đình Yên như: Silurus cucphuongensis, Hemibagrus centralus, Altigena tetrabarbata,… và một mẫu paratype của loài cá Bống trắng (Glossogobius sparsipapillus Akihito and Meguro, 1976) do thái tử Akihito (sau đó trở thành Nhật hoàng và nay đã nhường ngôi) đã gửi tặng Bảo tàng vào năm 1976. Như vậy, ở Bảo tàng còn khoảng 5000 vật mẫu cá chưa được kiểm kê hoặc định loại do chưa có điều kiện.
– Bộ sưu tập mẫu động vật không xương sống: có 21.133 mẫu, phần lớn thuộc các bộ côn trùng phổ biến ở Việt Nam như Cánh cứng (Coleoptera), Cánh vảy (Lepidoptera), Gián (Blattoptera)… và các mẫu vật động vật không xương sống nước ngọt và nước mặn như Động vật thân mềm, Giáp xác, Da gai, Ruột khoang (San hô)… Mẫu sử dụng nghiên cứu là 19.895 mẫu; để trưng bày là 865 mẫu (chiếm 7,9% tổng số mẫu vật). Bộ sưu tập mẫu Động vật không xương sống không có các mẫu chuẩn và đồng chuẩn hoặc các mẫu quý hiếm về côn trùng. Do phần lớn vật mẫu chưa được định tên đầy đủ, hơn 50% số lượng vật mẫu có chất lượng kém vì không được bảo quản tốt và rất nhiều vật mẫu thiếu lý lịch rõ ràng nên đã làm giảm đi giá trị của bộ sưu tập côn trùng rất lớn này.
Bảo tàng Thực vật: Được thành lập từ năm 1926 cùng với Bảo tàng Động vật, là một bộ phận Bảo tàng Sinh vật, với chức năng thu thập, bảo quản sử lý các tiêu bản thực vật trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam phục vụ cho bảo tồn và nghiên cứu khoa học về thực vật.
Đây là một rong những cơ sở lưu giữ dữ liệu, mẫu vật thực vật lâu đời nhất của nước ta được nhà khoa học Pháp Petelot khởi tạo và xây dựng nên. Từ đó đến nay Bảo tàng Thực vật liên tục được các nhà khoa học Pháp và sau đó là các nhà khoa học Việt Nam như Dương Hữu Thời, Nguyễn Đình Khôi, Võ Văn Chi, Phan Kế Lộc, Nguyễn Nghĩa Thìn,…cũng cấp bổ sung nhiều mẫu vật từ các miền địa lý khác nhau của Đông Dương và ở Việt Nam.
Hiện nay Bảo tàng Thực vật đang lưu giữ khoảng hơn 38.000 tiêu bản thực vật thuộc 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Đặc biệt trong số mẫu lưu giữ có khoảng 1.000 mẫu tiêu bản có tuổi từ 70 đến trên 100 năm do Giáo sư Petelot người Pháp thu thập trong giai đoạn sơ khai nghiên cứu thực vật tại Việt Nam.
Hoạt động chính của Bảo tàng sinh học
– Phục vụ nghiên cứu khoa học: Với hàng nghìn vật mẫu động vật, thực vật được lưu trữ và trưng bày trong đó có nhiều mẫu chuẩn (Type) và đồng chuẩn (Holotype), Bảo tàng Sinh học từ trước đến nay đã cung cấp vật mẫu cũng như đối chiếu vật mẫu cho hầu hết các nghiên cứu về lĩnh vực khoa học sự sống, đặc biệt là các nghiên cứu về Hệ thống học và Phân loại học, Tài nguyên và Đa dạng sinh học. Tính đến nay, đã có hàng ngàn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, những nhà động vật học trong nước và Quốc tế đã đến nghiên cứu tại Bảo tàng.
– Phục vụ đào tạo: Bảo tàng Sinh học luôn giữ được vai trò là “phòng thí nghiệm” tự nhiên tốt nhất phục vụ cho giảng dạy và đào tạo. Từ khi thành lập đến nay, đã có hàng ngàn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thực hiện khoá luận tốt nghiệp, luận văn cao học và luận án tiến sĩ về lĩnh vực phân loại học, đa dạng sinh học, sinh học môi trường, … tại Bảo tàng sinh học. Ngày nay, nhiều người trong số này đã trở thành những nhà khoa học nổi tiếng trong nước cũng như Quốc tế trong đó có nhiều nhà động vật học, thực vật học. Nhiều lớp tập huấn, hội thảo quốc gia và quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học đã dựa vào bộ sưu tập mẫu của Bảo tàng để minh họa các bài giảng lý thuyết và thực tập. Hàng năm có khoảng 1.000 lượt khách từ các trường Đại học, Cao đẳng, Phổ thông, các viện nghiên cứu, các bảo tàng,… trong cả nước và nước ngoài đến tham quan, làm việc, học tập, nghiên cứu tại Bảo tàng Sinh học.
– Tuyên truyền và Giáo dục: Từ lâu, Bảo tàng Sinh học đã trở thành nơi thăm quan, học tập của học sinh các cấp, của sinh viên và của mọi người dân. Thông qua các hoạt động này, Bảo tàng Sinh học đã phổ biến, tuyên truyền các kiến thức sinh học cơ bản, giáo dục lòng yêu thiên nhiên, yêu quý sinh vật – tài nguyên quý giá của Quốc gia, nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường.
– Hợp tác Quốc tế: Bảo tàng Sinh học không chỉ là nơi triển khai thực hiện các dự án hợp tác quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn, các nghiên cứu về tài nguyên thiên nhiên mà còn là nơi giới thiệu, quảng bá tính đa dạng sinh học, sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên của đất nước với các nước trên thế giới. Các dự án như ‘”Bảo tồn loài hổ Đông dương”, “Bảo tồn loài chà vá chân nâu”, “Bảo tồn loài Voọc mũi hếch”, “Bảo vệ Rùa Hoàn Kiếm” đều bắt nguồn từ cơ sở Bảo tàng. Bảo tàng Sinh học của Trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội đã có quan hệ và trao đổi mẫu vật với Bảo tàng Động vật Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp Maxcơva; Bảo tàng Động vật Trường Đại học Xanh Pêtecbua; Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Pari; Bảo tàng Động vật Trường Đại học Kim Nhật Thành (Triều Tiên); Học viện Thủy sản Thượng Hải, Sở Thủy sản Bắc Kinh; Bảo tàng Hoàng gia Nhật Bản.