Di tích cách mạng an toàn khu Ngọc Giang ở Đông Anh, Hà Nội

Di tích cách mạng an toàn khu Ngọc Giang ở thôn Ngọc Giang, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, nơi có chùa Ngọc Giang và nhiều gia đình là cơ sở cách mạng của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam giai đoạn 1941-1945.

Ngọc Giang-Vĩnh Ngọc là một vùng đất có bế dày lịch sử. Người dân ở đây vốn có truyền thống yêu nước trống giặc ngoại xâm. Đặc biệt vùng đất này có địa thế giao thông đường bộ, đường thuỷ thuận lợi.

Từ cuối năm 1940, Thường vụ Trung ương Đảng dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh đã tích cực xây dựng một vùng an toàn (ATK) của khu vực Hà Nội ở hai bên bờ sông Hồng: từ Đa Phúc, Kim Anh, qua Yên Lãng, Đông Anh, Gia Lâm và sang Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Trì.

Thời kỳ này, Trung ương đã xây dựng vùng bao quanh Hà Nội thành một khu căn cứ để đặt cơ quan lãnh đạo của Đảng. Ở bờ nam sông Hồng có các làng Xuân Tảo, Cổ Nhuế, Quán La, Bái Ân, Thôn Nghè, Yên Thái, Trích Sài, Phú Xá, Phú Gia, Chèm, Hoàng Xá, Liên Mạc (huyện Từ Liêm). Ở bờ bắc sông Hồng có các làng, xã: Hải Bối, Ngọc Giang, Vĩnh Thanh, Võng La, Viên Nội, Cổ Loa, Xuân Canh, Xuân Trach,…Thường đi lại, ăn ở, làm việc tại các khu căn cứ này có các đồng chí: Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Lê Đức Thọ,… Các đồng chí không ở cố định một nơi nào, nhưng chủ yếu làm việc tại: Ngọc Giang, Viên Nội, Võng La, Xuân Tảo, Phú Gia.

Trong khu căn cứ có đặt cơ quan in báo “Cờ giải phóng” của Đảng, đặt các trạm liên lạc với Xứ uỷ, với cắn cứ địa Việt Bắc, các cơ quan đón tiếp cán bộ từ các địa phương về báo cáo công tác và xin chỉ thị. Cơ quan binh vận của Trung ương cũng đặt nơi làm việc và in báo của mình ở khu căn cứ này.

Sở dĩ Trung ương Đảng chọn vùng xung quanh Hà Nội để xây dựng ATK của Trung ương là vì đó là vùng nằm sát cơ quan đầu não của địch tại Hà Nội, hàng ngày ta có điều kiện nắm bắt tình hình của địch, tình hình thế giới và tình hình cách mạng cả nước. Từ đó có chủ trương kịp thời chỉ đạo phong trào. Đây cũng là vùng có vị trí giao thông thuận lợi, người buôn bán đông – xuôi ngược nên địch không để ý.

Ngọc Giang là thôn nằm ngoài đê, giao thông thuận tiện nên cũng dễ bị lộ. Song do tổ chức của ta được bố trí khoa học, lại được nhân dân hết lòng bảo vệ hỗ trợ, nên cơ quan của Đảng được an toàn trong một thời gian dài.

Thực hiện chủ trương của Trung ương, giữa năm 1941, đồng chí Trần Thị Sáu là cán bộ trong đội công tác của Trung ương được đề cử về thôn Ngọc Giang để gây dựng cơ sở. Khi về Ngọc Giang đồng chí Sáu đóng giả là người bán báo đến nhà ông Nguyễn Văn Linh, dó có quan hệ họ hàng bên ngoại, đồng chí Sáu đã tuyên truyền, vận động ông Linh là người đầu tiên được tiếp thu ánh sáng cách mạng, gia đình ông trở thành cơ sở đầu tiên ở Ngọc Giang, sau đó đồng chí Sau đón Trưởng Chinh – Tổng bí thư Đảng và Hoàng Văn Thụ – Thường vụ Trung ương về làm việc tại đây.

Từ cơ sở đầu tiên này, ánh sáng cách mạng đã đến với nhiều gia đình, các gia đình ông bà Đinh Văn Tương, Đặng Văn Thước, Đinh Thị Chức, Nguyễn Thị Năm, Vũ Thị Mão, Nguyễn Văn Cấp, Nguyễn Thị Thiện trở thành những cơ sở cách mạng trung kiên ở Ngọc Giang.

Đồng chí Trần Thị Sáu lại đón các đồng chí: Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Trần Quốc Thân, Bạch Thành Phong, Trần Quốc Hương, Nguyễn Trọng Tỉnh, Lê Đình Thiệp, Trần Cư, Trần Độ, Nguyễn Thị Hải, Nguyễn Thị Hằng về ở với các gia đình đó để hoạt động.

Mặc dù kinh tế của nhiều gia đình đó còn nhiều khó khăn, tổ chức cách mạng ít có điều kiện chu cấp cho các đồng chí cán bộ kể cả các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng, nhưng các gia đình vẫn hết sức giúp đỡ an toàn chu đáo cho các đồng chí cán bộ. Các cuộc hội họp thường diễn ra tại ngôi chùa ở đầu làng Ngọc Giang do sư ông Phúc trụ trì – đây là nhà sư có lòng yêu nước, được đống chí Sau và ông Kinh giác ngộ mà trở thành nhà sư cách mạng.

Xung quanh chùa Ngọc Giang có dãy luỹ tre dày đặc, cây cối um tùm bao kín nên rất thuận lợi để đặt cơ sở liên lạc và hội họp. Đến lúc này Ngọc Giang đã thực sự trở thành cơ sở an toàn khu, là nơi Trung ương tổ chức các cuộc hội họp quạn trọng, cũng từ đây ánh sáng cách mạng của Đảng đã lan toả đến các làng xã khác trong huyện.

Tháng 8/1945, Ngọc Giang đã vinh dự được đón Bác Hồ dừng chân và nghỉ 1 đêm tại nhà ông Thơ khi Bác cùng đoàn cán bộ từ Tân Trào về Hà Nội.

Trong suốt thời gian hoạt động, ăn ở tại Ngọc Giang nói riêng và Đông Anh nói chung, các đồng chí trong Thường vụ Trung ương đã được người dân và các gia đình cơ sở bảo vệ an toàn, vì vậy tình nghĩa giữa các đồng chí và người dân nơi đây rất sâu đậm.

Từ sau cách mạng tháng 8 tới những năm chống Pháp, chống Mỹ hết sức gian khổ, Bác Hồ và các đồng chí Thường Vụ Trung ương vẫn giành thời gian về Đông Anh tham các gia đình cơ sơ ở Ngọc Giang, ngày 28/1/1961, Nhà nước đã phong tặng các gia đình cơ sở và sư ông Phúc ở chùa Ngọc Giang 9 kỷ niệm chương và bằng có công với đất nước.

Hiện nay tấm bia lưu niệm An Toàn Khu Ngọc Giang đối với cách mạng đã được gắn trang trọng tại ngôi chùa Ngọc Giang./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *