Di tích cách mạng Trường Mạc Đĩnh Chi là Trường trung học cơ sở Mạc Đỉnh Chi, xưa kia là Trường tiểu học Yên Phụ, thuộc số nhà 66 phố Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội.
Trường được xây dựng vào những năm 1900-1902 với tên gọi ban đầu là trường Thông Ngôn (ngôi trường đào tạo người phiên dịch), sau này trường Thông Ngôn giải tán, nhường chỗ cho học trò tiểu học nên có tên là trường Yên Phụ, do người Pháp làm giám đốc. Từ năm 1929-1931, trường có nhiều thanh niên sớm giác ngộ cách mạng.
Phòng trào thanh niên Hà Nội được sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Thành uỷ đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự ra đời của Tổng hội học sinh (học sinh đoàn) đã thu hút đông đảo thanh niên học sinh tham gia ở các trường Hàng Vôi, Sinh Từ, Trần Nhật Duật, Mạc Đĩnh Chi, … Phát huy truyền thống yêu nước của thanh niên, học sinh trường Yên Phụ đã sớm thành lập được chi đoàn thanh niên cộng sản-một trong những cơ sở đầu tiên của Đoàn thanh niên cộng sản Hà Nội
Trong cuốn Lịch sử Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh viết: “Ngày 4/1/1931, bảy thanh niên ưu tú của Hà Nội đã khai hội bí mật tại một nhà giáo viên trường Yên Phụ để làm lễ tổ chức thành lập Đoàn thanh niên cộng sản. Đồng chí Lã Phạm Thái lúc này là cán bộ Thành uỷ phụ trách thanh niên chủ trì cuộc họp và chính thưc công nhận tổ chức thanh niên cộng sản này. Đây là một trong những cơ sở đầu tiên của Đoàn thanh niên cộng sản ở thành phố Hà Nội”.
Việc thành lập Đoàn thanh niên cộng sản ở Hà Nội đã đánh dấu một giai đoạn mới trong phong trào đấu tranh cách mạng của thanh niên Hà Nội. Để thống nhất các tổ chức thanh niên trong cả nước, ngày 26/3/1931, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất quyết định thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Đông Dương.
Di tích cách mạng Trường Mạc Đĩnh Chi được xây dựng trên khu đất rộng, thoáng, xung quanh có bao tường, phía trước có hai cổng dẫn vào sân trường với những hàng cây lưu niên. Ngôi nhà chính do Pháp xây dựng trước kia nay là nơi học tập của học sinh, nhà gồm 4 gian 2 chái, mái lợp ngói móc.
Hàng năm, đến ngày 4/1, nhà trường làm lễ kỷ niệm ngày thành lập Đoàn và các cán bộ lão thành cách mạng đến dự, đây thực sự là dịp giao lưu, sinh hoạt văn hoá bổ ích nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp học sinh, thanh niên tinh thần yêu nước và sự tri ân đối với các thế hệ cách mạng tền bối.
Di tích cách mạng Trường Mạc Đĩnh Chi xứng đáng là một địa chỉ đỏ góp phần không nhỏ trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ học sinh hôm nay và mai sau, Trường đã được gắn biển “Di tích cách mạng kháng chiến” năm 2004.