Nhà tù Hoả Lò nằm ở số 1 phố Hoả Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cuối thế kỷ XIX, nhằm đối phó với các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp đã tăng cường bộ máy đàn áp: Xây dựng Nhà tù Hỏa Lò là một trong những công cụ đàn áp đó. Đây là một trong số những nhà tù lớn nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Nguyên xưa đây là thôn Phụ Khánh, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, Hà Nội, nơi đây chuyên làm các loại ấm đất, siêu đất, các loại hoả lò bằng đất đêm bán khắp Kinh Kỳ nên có tên gọi là Hoả Lò.
Thời kỳ Pháp xây dựng nhà tù Hoả Lò
Chiếm được Hà Nội, thực dân Pháp chọn nơi trung tâm này, dở bỏ chùa Lưu Ly, chùa Bích Thư và chừa Bích Hạ, đuổi 48 hộ dân ở thôn Phụ Khánh để xây dựng một nhà tù lớn và kiên cố bậc nhất Đông Dương với diện tích khoảng 13.000m2.
Công việc xây dựng bắt đầu từ năm 1896, với yêu cầu rất cao: Tất cả kim loại được dùng phải nhập từ Pháp với chất lượng hàng đầu. Các ổ khoá, bản lề, đinh, ốc vít,… phải có chất lượng tốt nhất, vật liệu xây dựng bằng gạch, gạch phải được thấm nước trước khi xây để ăn vữa. Kính phải được chuyển từ Pháp sang, phải rất rõ và không có bọt khí. Tất cả phải đạt yêu cầu của kiến trúc sư Pháp.
Bao quanh nhà tù là một bức tường xây kiên cố, cao 4m, dày 0,5m có cốt thép. Mặt tường cắm đầy mảnh chai, chăng dây thép gai và có điện cao thế. Bốn góc có 4 tháp canh (ngày nay còn lại 2 tháp) có khả năng quan sát toàn bộ bên trong và xung quanh phía ngoài nhà tù. Phía trong có đường đi cho lính canh đi tuần.
Trước đây, nhà tù có 2 khu: Khu thường phạm và khu chính phạm. Khu thường phạm gồm nhà 7 gian + nhà 8 gian và xưởng sửa chữa. Khu chính trị phạm gồm các trại 1,2,3, trại 9 gian, dãy xà lim B,C, trại nữ, trại lô cốt nhỏ,… Mỗi nhà giam chỉ có một cửa ra vào bằng sắt đóng kín và một lỗ cửa thông hơi rất hẹp. Tường quét màu xám, phía chân dưới sơn hắc ín.
Một số nhà giam không có nhà cầu (hố xí), thùng phân (chất thải) để ngay trong buồng giam, phân và nước tiểu chàn ra hôi thối nồng nặc. Hai dãy xà lim gồm 40 buồng dùng để nhốt những người bị án tử hình (xà lim án chém). Người tù bị cùm cả 2 chân, nằm trên nền xi măng, không quân áo, chăn chiếu, …
Tù chính trị ở đây là những cán bộ, đảng viên và người dân yêu nước chống Pháp. Những người bị kết án 5 năm trở lên bị chuyển đi nhà tù Sơn La, Hà Giang, từ 10 năm trở lên bị chuyển đi Côn Đảo, dưởi 5 năm và tử hình thì được giam tại Nhà tù Hoả Lò.
Nơi giam cầm cán bộ lãnh đạo và nhân dân yêu nước
Nhiều cán bộ lãnh đạo và những nhà cách mạng yêu nước đã bị giam giữ tại đây như: Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng và 5 đồng chí Tổng bí thư sau này là: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười. Nhà tù Hoả Lò được thiết kế để giam cầm 300-400 người, nhưng số tù nhân ở đây thường quá tải, năm 1932 chúng nhốt 1400 người. Trại nữ chỉ có 270m2 chúng nhốt tới 300 người.
Không thể kể hết được âm mưu thâm độc của bọn thống trị và cai ngục muốn hành hạ, đày đoạ người tù, đặc biệt là tù chính trị, một cách dã man – tàn bạo. Nhưng chính nơi địa ngục trần gian này, những người Cộng sản đã tổ chức được chi bộ Đảng để lãnh đạo cuộc đấu tranh với chế độ nhà tù hà khắc, đồng thời nâng cao giác ngộ chính trị và chuẩn bị những cơ hội vượt ngục để về với cách mạng.
Đêm Noel năm 1932, bảy đồng chí đảng viên giả vờ ốm nặng được đưa sang Bệnh viện Phủ Doãn (Việt-Đức ngày nay) đã tổ chức vượt ngục thành công. Ngày 10/3/1945, đồng chí Trần Đăng Ninh và 8 đồng chí khác đã nhảy tường thoát khỏi trại giam, ngày hôm sau, 30 đảng viên cộng sản nữa lại thoát khỏi Nhà tù Hoả Lò bằng con đường cống ngầm để trở về với cách mạng, những ngày tiêp theo có khoảng 100 đồng chí vượt ngục bằng cống ngầm và thành công.
Thủ đô được giải phóng, Nhà tù Hoả Lò được dùng để tạm giam những người vi phạm pháp luật. Từ năm 1964 đến 1973, khi đánh phá miền Bắc các phi công Mỹ bị bắt cũng được tạm giam tại đây. Trong số đó có Peterson – người sau này trở thành đại sứ Mỹ đầu tiên tại Việt Nam (các tù nhân Mỹ thường gọi Nhà tù Hoà Lò là Khách sạn Hilton – Hà Nội).
Sửa chữa, trùng tu Nhà tù Hoà Lò trở thành di tích lịch sử
Từ năm 1993, để đáp ứng nhu cầu phát triển của Thủ Đô, nhà tù Hoả Lò chỉ còn giữ lại 1/4 diện tích (2.432m2), gồm các hiện vật như tường bao, 2 tháp canh, phòng giam tù nhân nam, phòng giam tù nhân nữ, khu xà lim tử hình, khu ngục tối, các loại cùm, máy chém, những di vật gắn liền với cuộc vượt ngục, các hoạt động cách mạng của các chiến sỹ yêu nước.
Gần nữa thế kỷ là công cụ đàn áp của thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Nhà tù Hoà Lò trở thành một “nhân chứng” về tội ác tày trời, rất dã man của bạn chúng. Nhà tù Hoà Lò cũng là nơi “chứng kiến” nhiều thế hệ tù nhân, nhiều lớp tù chính trị ở tất cả các tỉnh miền Bắc, “có bao nhiêu phong trào yêu nước và cách mạng bùng nổ thì ở Nhà tù Hoà Lò có bấy nhiêu lớp chiến sỹ tiêu biểu cho những phong trào đó“.
Năm 1998, Nhà tù Hoà Lò được trùng tu tôn tạo, gồm 2 khu A và B – là các trại giam của thực dân Pháp đối với tù chính trị nam và nữ. Di tích Nhà tù Hoà Lò được bố trí các phòng trưng bày bổ sung mô phỏng việc giam cầm tù chính trị các thời kỳ từ năm 1931 đến 1954. Ở đây đã ghi danh các tù chính trị và hình ảnh đấu tranh kiên cường của các chiến sỹ cộng sản tại nhà tù. Trongg di tích còn có 2 phòng giới thiệu các phi công Mỹ bị bắt trong chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ từ nằm 1964 đến tháng 3 năm 1973.
Trong khuôn viên di tích Hoả Lò, phía ngoài trời là khu tượng đài bằng đá (khắc chìm) biểu thị tình thần bất khuất của các chiến sỹ cộng sản trước kẻ thù tàn bạo. Di tích Nhà tù Hoà Lò được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng “Di tích lịch sử năm 1997”./.