Quần thể di tích cách mạng và kháng chiến Khu Cháy ở huyện Ứng Hoà, Hà Nội

Di tích cách mạng Khu Cháy là một vùng đồng chiêm trũng rộng lớn, nằm ở phía đông nam huyện Ứng Hoà, Hà Nội, bao quanh bốn mặt là các tuyến đường 75 ở phía bắc, đường 60 ở phía nam, sông Nhuệ ở phía đông và tuyến đê Đáy ở phía tây.

di tich cach mang khu chay 3
Di tích cách mạng và kháng chiến Khu Cháy

Trong thời kỳ khởi nghĩa, giữa năm 1942, Xứ uỷ Bắc Kỳ chọn khu Nam Ứng Hoà và Bắc Kim Bảng làm căn cứ An Toàn Khu để bảo vệ, trong đó có Tảo Khê – Trầm Lộng là những cơ sở trung tâm. Ở đây còn lưu dấu nhiều di tích cách mạng.

di tich cach mang khu chay 2
Di tích cách mạng và kháng chiến Khu Cháy

Đình chùa Tảo Khê nằm ngay đầu làng thôn Tảo Khê, xã Tảo Dương Văn, có khuôn viên rộng 5 sào. Trước cách mạng tháng 8 năm 1945, sư Nhị trụ trì chùa là một quần chúng cứu quốc nên ngôi chùa trở thành cơ sở cách mạng. Đặc biệt khi vùng Nam Ứng Hoà trở thành An Toàn Khu của Xứ uỷ, chùa Tảo Khê là một trong những địa điểm bảo vệ đồng chí Hoàng Quốc Việt – Uỷ viên thường vụ Trung ương Đảng, Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, đồng chí ở và làm việc tại ngôi nhà phía sau chùa. Trước đây ngôi nhà này làm bằng lá, hiện nay đã được tu sửa, xây tường, lợp ngói.

Tai đây đồng chí Hoàng Quốc Việt đã mở lớp huấn luyện chính trị cho một số cán bộ Xứ uỷ và Ban tỉnh uỷ Hà Đông. Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), chùa Tảo Khê còn có hầm bí mật bảo vệ cán bộ, du kích trong thời gian địch chiếm đóng.

Chùa Tảo Khê còn là nơi cán bộ cứu quốc thời tiền khởi nghĩa cất giấu tài liệu, vũ khí. Đặc biệt nơi đây là địa điểm tập kết và xuất kích của lực lượng quần chúng khu vực Nam Ứng Hoà – Nam Mỹ Đức trong ngày 17/8/1945 khởi nghĩa giành chính quyền phủ Ứng Hoà, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Đỗ Mười – Tỉnh uỷ viên, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hà Đông.

Ngoài ra, tại Tảo Khê còn có các di tích cách mạng tiêu biểu: Đó là ngôi nhà nhỏ 4 gian của đồng chí Nguyễn Văn Lộc, là địa điểm thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở phía nam. Sau ngày 9/3/1945, Xứ uỷ Bắc Kỳ giao cho chi bộ Tảo Khê nhiệm vụ mua súng phục vụ cho việc chuẩn bị khởi nghĩa. Ngôi nhà thờ 3 gian tại lăng miếu ở Đông Quý (đối diện với UBND xã hiện nay) làm nơi cất giấu số súng mua được, là nơi sửa chữa những khẩu súng bị hư hỏng (rất tiếc ngôi nhà này đã bị phá huỷ trong chiến tranh).

Trầm Lộng là nơi cơ quan của Xứ uỷ đóng. Đình thượng ở thôn Lương Đa, cách xa làng gần 1 km, trên một khu đất rộng 6 sào, cây cối um tùm, vắng vẻ, nên trở thành nơi hội họp, liên lạc của cán bộ trong thời kỳ hoạt bí mật.

Hoà Đồng Tự thược được gọi là Chùa Rồng ở thôn Lương Đa là địa điểm nuôi và bảo vệ cán bộ và cũng có thời gian Xứ uý đóng tại đây. Đình và chùa thôn Trầm Lộng cũng là nơi bảo vệ cán bộ, địa điểm liên lạc. Đặc biệt Chùa Chòng là địa điểm họp hội nghị các cơ sở cách mạng khu vực Nam Ứng Hoà – Nam Mỹ Đức vào đêm 15/8/1945, do đồng chí Đỗ Mười chủ trì và phát động lệnh khởi nghĩa giành chính quyền ở Ứng Hoà.

Di tích lịch sử cách mạng Chùa Chòng - Khu Cháy
Di tích lịch sử cách mạng Chùa Chòng – Khu Cháy

Chùa Ngăm (chùa Kim Giang) vừa là di tích văn hoá đặc biệt vừa là di tích cách mạng, vì đây là địa điểm liên lạc với Xứ uỷ, nơi phân phối tài liệu, báo chí. Song chùa Ngăm đã bị chiến tranh phá huỷ, chỉ còn lại gác chuông được tháo dỡ đem về dựng lại tại khu danh thắng Hương Sơn (Mỹ Đức).

Ở các thôn Lương Đa, Trầm Lọng, Thu Nội còn có những di tích cách mạng, cơ sở bảo vệ các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Đỗ Mười và nhiều cán bộ khác của Đảng. Phần lớn các di tích không còn nguyên trạng hoặc bị tàn phá trong chiến tranh, song vẫn còn di tích ghi lại dấu ấn một thới cách mạng gian khổ nhưng rất đáng tự hào của quân và dân Ứng Hoà trong cuộc đấu tranh cướp lại chính quyền trong cách mạng tháng 8 năm 1945.

Trong khách chiến chống thực dân Pháp, Khu Cháy là một khu di tích kiên cường, có vị trí rất quan trọng. Địch đã bắn phá Khu Cháy rất khốc liệt băng chính sách “đốt sạch – phá sạch – giết sạch”. Cây đa trên cánh đồng Dương Liễu vẫn còn đó như một chứng tích ghi lại một trong muôn vàn tội ác của bọn thực dân xâm lược. Nhân dân địa phương thường gọi cây đa này là “Cây đa ba mươi”, vì trong một trận càn tháng 6/1951, giặc Pháp đã xả súng giết hại một lúc trên 30 đồng bào ta, phần lớn là phụ nữ và trẻ em chạy giặc trú tại gốc đa này.

Di tích cách mạng Khu Cháy còn là nơi diễn ra nhiều cuộc chiến tranh anh dũng kiên cường của quân và dân ta khiến kẻ thủ phải khiếp đảm. Trận phục kích diệt đội Bảo án binh tại cánh đồng làng Trạch Xá từ trước ngày tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8/1945, trận chống càn quyết liệt tháng 6/1951 với những chiến công ở Đồng Tân, Minh Đức (Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi chiến công). Ngoài ra tại đây còn rất nhiều chiến công khác tại các xã Đồng Lỗ, Kim Đường, Trung Tú đã đi vào lịch sử kháng chiến như một bản anh hùng ca bất hủ của dân tộc./.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *