Trường Chu Văn An nằm trên đường Thuỵ khuê, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Đây là ngôi trường có bề dày lịch sử với truyền thống hiếu học và yêu nước. Nơi sản sinh ra nhiều chiến sỹ cách mạng kiệt xuất như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phạm Văn Đồng.
Trường được thành lập ngày 9/12/1908, Trường Chu Văn An đã trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi: Trường trung học Bảo Hộ (1908-1945); Trường trung học Chu Văn An (8/1945-10/1945); Trường cấp 3 Chu Văn An (1954-1985); Trường trung học phổ thông Chu Văn An (1985-1995). Từ năm 1995 đến nay là Trường trung học phổ thông chất lượng cao Chu Văn An. Nhưng cái tên quên thuộc nhất mà mọi người hay gọi là Trường Bưởi.
Năm 1893, tại khu vực viện và chùa Châu Lam (tức địa điểm trường ngày nay), một nhà tư bản Pháp lập ra một nhà in lấy tên là Xây đe. Năm 1907, Pháp rời nhà in đi nới khác để lấy địa điểm này xây một trường học quy mô lớn nhất nhì Đông Dương. Ngày 9/12/1908, Phủ toàn quyền Đông Dương ra nghị định thành lập trường Thành Chung bảo hộ trên cơ sở sát nhập trường Thông Ngôn Hà Nội (mở năm 1904) và trường Thành Chung Nam Định. Năm 1931 chuyển thành trường trung học Bảo Hộ.
Trái với mục đích mở trường của thực dân Pháp, một số thầy trò đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh cách mạng: biểu tình, bãi khoá đòi ân xá Phân Bội Châu, bãi khoá để tang Phan Chu Trinh, nhiều học sinh của trường là chiến sỹ cách mạng kiệt xuất như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phạm Văn Đồng…, những nhà quân sự, khoa học kỹ thuật tài ba: Nguyễn Văn Chu, Nguyễn Tiến Sâm,…
Khi giặc Pháp xâm chiếm Nam Bộ, nhiều thầy giáo và học sinh của trường đã tự nguyện xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngày 12/6/1945, Khâm Sai Bắc Bộ là Phan Kế Toại ra nghị định đổi tên thành trường Quốc lập trung học mang tên Chu Văn An, vị danh nho tài đức, tiết tháo thời Trần. Cách mạng tháng tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà được thành lập, Giáo sư Dương Quảng Hàm chính thức được bộ nhiệm hiệu trưởng nhà trường.
Năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, một bộ phận của trường chuyển ra chiến khu Việt Bắc, một bộ phận ở lại trong lòng địch, nhưng đều có những đóng góp tích cực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thầy trò Trường Chu Văn An luôn khắc phục mọi khó khăn “trò học tốt, thầy dạy giỏi”. Không ít thầy giáo, học sinh đã lên đường nhập ngũ chiến đấu, góp phần giải phóng Miền Nam giải phóng đất nước.
Trải qua các cuộc kháng chiến, Trường Chu Văn An có rất nhiều gương anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh vì tổ quốc:
- Thời kỳ cách mạng tháng tám: Liệt sỹ Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Đình Ninh
- Thời kỳ kháng chiến chống Pháp: Giáo sư Dương Quảng Hàm, Phùng Văn Phúc, Lê Quân, Nguyễn Anh Bảo, Minh Đăng, Nguyễn Sỹ Vân
- Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ: thầy giáo Nguyễn Doãn Hào, Ngô Tất Thắng, Nghiêm Trần Thanh, Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Đình Phúc, Giang Lê Bồng, Hoàng Xuân Chính,…
Với những đóng góp của nhà trường trong giảng dạy, học tập và chiến đấu, Trường Chu Văn An đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần đến thăm và biểu dương thành tích.
Thực hiện lời dạy ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, thày trò Trường Chu Văn An – luôn phấn đấu thi đua lập thành tích trong giảng dạy và học tập, nhiều cô giáo, thầy giáo dạy giỏi, nhiều thế hệ học sinh giỏi đạt các giải quốc giá và quốc tế, nhiều năm Trường là đơn vị tiên tiến xuất sắc ở nhiều mặt.
Với những thành tích đạt được, nhà trường đã vinh dự được nhận các phần thưởng cao quý:
- Huân chương lao động hạng Ba năm 1967
- Huân chương lao động hạng Nhì năm 1992
- Huân chương độc lập hàng Nhất năm 1998
Cùng nhiều huân chương kháng chiến và huy chương sự nghiệp giáo dục cho nhiều thấy giáo, cô giáo
Hiện nay Trường Chu Văn An có một phòng truyền thống trưng bày hình ảnh, hiện vật và các tư liệu lịch sử của trường tại nhà bát giác. Ngoài ra, trường còn lưu giữ các hiện vật, thành tích thi đua của thầy và trò, bút tích của Bác Hồ khi về thăm trường, hình ảnh các đồng chí lãnh đạo: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, … cùng nhiều hiện vật khác.
Tháng 2 năm 1995, Thủ tướng Chính Phủ quyết đinh xây dựng Trường Chu Văn An trở thành “Trường trung học phổ thông chất lượng cao”.
Căn cứ vào những giá trị lịch sử – cách mạng như đã nêu ở trên, ngày 23/8/2004. Bộ văn hoá và Thông tin đã ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia Trường Chu Văn An là “Di Tích Lịch Sử – Văn Hoá”.